Của cho, cách nhận… Nguyễn Văn Trang ( báo BĐ)

Của cho, cách nhận…
 
1. Lũ chồng lên lũ. Khúc ruột miền Trung lại quặn thắt…

Ngay giữa lúc lũ ầm ào đổ về, đã có đoàn cứu trợ vượt lũ đến với những vùng bị cô lập. Bị chia cắt, người dân nơi ốc đảo thiếu thốn đủ thứ. Hết gạo, thiếu nước, củi ướt… những gói mì tôm được coi là lương thực “chữa cháy” hiệu quả nhất. Bên cạnh mì tôm, các đoàn cứu trợ còn hỗ trợ bà con bằng tiền mặt, với hy vọng sau khi lũ rút, bà con có thể mua sắm nhu yếu phẩm, ổn định cuộc sống…

Dong lai

 Mỗi món hàng cứu trợ đến được với người dân vùng thiên tai chứa đựng cả tấm lòng và công sức của biết bao người. – Trong ảnh: Chuyển hàng cứu trợ đến vùng lũ Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Ảnh: N.V.Trang

 

Được giúp đỡ trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, người dân vùng lũ rất nâng niu những món hàng cứu trợ. Thế nhưng, vẫn còn đó một số người vô ý thức, không hề tôn trọng những người vượt khó khăn trở ngại đến chia sẻ với mình, bà con quê hương mình. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh một thanh niên trẻ sau khi nhận tiền cứu trợ đã mở ngay phong bì, rút 2 tờ polyme 100 ngàn đồng đút vào túi; và, thản nhiên vứt chiếc phong bì rỗng ngay trước mặt những người trong đoàn cứu trợ…

2. Mấy ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng bỗng “nóng” chuyện quần áo cứu trợ thành giẻ lau. Cơ man là quần áo cũ trong các bọc hàng gửi cứu trợ đồng bào miền Trung được lưu kho sát tiệm sửa chữa xe ôtô ở gần ga xe lửa, chuẩn bị dùng để lau xe ôtô, lau máy. Một quan chức của cơ quan tiếp nhận hàng cứu trợ phân trần, hàng cứu trợ gửi vào không phải đồ nào cũng mới, có những cái quá cũ không thể mặc được, bỏ đi thì tiếc nên để “cho xưởng họ làm giẻ lau xe cho đỡ phí”.

Trong khi đó, đại diện đơn vị gửi hàng cứu trợ khẳng định không có chuyện gửi quần áo cũ rách; quần áo cứu trợ đã được sàng lọc kỹ càng, sau đó giặt sạch, ngâm nước thơm rồi mới đóng gói gửi tặng đồng bào vùng lũ. Trên các diễn đàn, nhiều người đã bày tỏ nỗi xót xa khi hay tin hàng cứu trợ bị biến thành giẻ lau trong các xưởng sửa chữa ô tô. Nhiều người lên tiếng phải kiên quyết xử lý nghiêm những người vi phạm.

Cũng trong đợt cứu trợ đồng bào miền Trung mới đây, lại nổi lên chuyện một “quan xã” đuổi đoàn cứu trợ lũ lụt. Chỉ vì cho rằng đoàn cứu trợ trao hàng cứu trợ cho người dân trước khi bàn giao cho xã, một vị phó chủ tịch xã đã đòi đuổi đoàn cứu trợ ra khỏi UBND xã. Thực tế, trong quá trình khuân vác hàng cứu trợ vào kho chứa của xã, có một số học sinh đến giúp đỡ đoàn. Khi thấy có vài món đồ rơi ra, các em đã nhặt lấy. Lúc đó vị “quan xã” nọ tưởng đoàn tự ý cho các em nên nổi nóng, buông những lời khó nghe với những thành viên trong đoàn cứu trợ…

3. Đằng sau mỗi món hàng cứu trợ gửi đến đồng bào các vùng lũ lụt là rất nhiều những tấm chân thành đầy cảm thông, chia sẻ. Thế nhưng, không phải lúc nào và ở đâu, những món hàng ấy cũng được đón nhận một cách trân trọng. Và, đâu đó vẫn còn hiện tượng phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, chưa đảm bảo công bằng, đúng đối tượng…

Lâu nay, chúng ta hay nói chuyện “của cho và cách cho”; song, đã đến lúc cần phải lưu tâm đến cả vấn đề “cách nhận”…

  • Nguyễn Văn Trang

Chuyển tin từ báo Bình Định: http://baobinhdinh.com.vn/chinhtri-xahoi/2010/11/100723/

Khi lòng tốt quá hạn sử dụng – Khánh Quyên chuyển tin

Khi lòng tốt quá hạn sử dụng

Trung thu đã qua nhưng ông Nguyễn Đức Phú ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vẫn vương nỗi buồn từ bữa trăng rằm. Ông Phú kể:

 

 

Trung thu năm nay đứa cháu 5 tuổi của tôi ở một xã nghèo đáng lẽ sẽ cười vui dưới trăng rằm nhưng cháu đã khóc. Anh biết vì sao không? Một công ty ở Hà Nội về xóm nghèo của cháu tôi tặng những hộp bánh trung thu đẹp lắm. Nhưng mẹ cháu phát hiện ra hộp bánh trung thu quá hạn sử dụng lâu rồi. Cháu nhất định đòi bóc bánh trung thu, nhưng mẹ không cho. Cháu chưa đủ tuổi để hiểu “hết hạn sử dụng” nghĩa là gì. Cháu cũng chưa đủ tuổi để hiểu đâu là sự vô tình hay cố ý của những người nhân danh lòng thiện. Với tôi, hơn 80 tuổi rồi lại phải chứng kiến chuyện buồn con trẻ.

Ông buồn vì lẽ gì?

Tôi quá nhiều tuổi để cảm nhận nỗi buồn của trẻ. Tôi chạnh lòng cho thân phận trẻ thơ và thân phận người nghèo…

Em thơ, người già và người nghèo luôn dễ tổn thương?

Trẻ em, người già, người nghèo ít có khả năng tự vệ, cần được chăm sóc. Bác Hồ ngày xưa rất quan tâm đến trẻ em và người già, “sữa để em thơ, lụa tặng già”. Nhưng anh thấy đấy, bây giờ sữa và thuốc chữa bệnh, hai thứ rất cần cho em thơ và người già bị đẩy giá lên cao quá mức. Người ta kiếm lời từ những mặt hàng mà trẻ thơ và người già không thể thiếu được và họ lại không có khả năng kiểm định.

Ai nỡ làm thế! Liệu có ngẫu nhiên và cá biệt?

Ấy, tôi cũng mong là chuyện khó tin này không có thật, nhưng chính báo chí các anh đăng tin rất cụ thể chi tiết đây này: “Đoàn y, bác sĩ từ thiện do một bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã lặn lội về vùng sâu, xa tiến hành khám chữa bệnh và phát thuốc… quá đát, thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc cho người”, rồi nữa: “650 hộ dân chịu thiệt hại từ cơn bão số 3, ở thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) tá hoả khi nhận được quà từ thiện quá hạn sử dụng”…

Tôi nghĩ còn nhiều thứ quá đát nữa mà người nghèo vì cả tin và vì nghèo nên đã trót sử dụng. Những thứ từ thiện kiểu “quá hạn sử dụng này” cũng cần phải tiêu huỷ và lên án. Khác nào ném rác thải vào người nghèo. Nhiều mặt hàng ở thành phố đưa về nông thôn bán cũng quá đát. Họ lừa người nghèo, họ coi thường người nông thôn, vùng sâu vùng xa không quan tâm cái hạn sử dụng trên bao bì…

Họ tặng, còn nhận hay không là quyền của mình.

Ấy, người nghèo có khi không có quyền từ chối nữa kia. Ai dám phụ lòng tốt, ai biết được lòng tốt cũng “quá hạn sử dụng”.

Nếu ông được tặng quà “quá hạn sử dụng” thì ông sẽ làm gì?

Tôi hơn 80 tuổi, cũng “quá hạn sử dụng” rồi, làm được gì nữa?

Nhưng lòng tốt thực sự không bao giờ “quá hạn sử dụng”…

Đúng vậy, Trung thu vừa rồi tôi chỉ muốn cháu đừng có buồn vì gói bánh trung thu quá đát, tôi chặt tre làm cho cháu cái đèn ông sao, hái quả bưởi quả hồng trong vườn, ngồi giữa sân phá cỗ ngắm trăng, niềm vui giản dị mà thật. “Mật ngọt thì ruồi chết tươi; Những nơi cay đắng là nơi thật thà”, ông cha mình nói thế. Ở đời không ai cho không ai cái gì cả. Nếu được ai cho không cái gì thì nhớ: “đọc kỹ hạn sử dụng trước khi dùng”.

 

ĐA – Nguồn TPO.

 

Khánh Quyên chuyển tin từ báo Xứ Nghệ:

http://xunghe.vn/portal/news/2010/09/16100/

.