Sống để báo đáp ân tình – báo SGTT

Sống để báo đáp ân tình

SGTT.VN – Người ta thường nói “khổ tận cam lai”, qua đau khổ hạnh phúc sẽ tới. Nhưng, cuộc đời bà Nguyễn Thị Tư thì nỗi đau chồng chất nỗi đau cho đến tận cùng.

Không chốn nương thân

 
Sau cái chết của cháu ngoại vì bệnh máu trắng, giờ đến lượt bà Tư đối diện với căn bệnh quái ác này. Ảnh: CTV

Bà Tư là con gái một gia đình nghèo không có nổi một miếng đất cắm sào ở Cà Mau. Bà lấy chồng, sinh con trong cảnh túng thiếu trăm bề. Không chịu đựng nổi sự khốn khó, chồng bà dứt áo ra đi khi con gái được tám tuổi. Con gái bà lấy chồng, rồi con rể bà cũng ra đi mãi mãi trong một lần đi cuốc đất mướn bị bò cạp cắn. Khi đó cháu ngoại bà mới được hai tháng tuổi. Cả gia đình ba thế hệ ấy, bây giờ chỉ còn hai người đàn bà và một đứa bé gái đùm bọc nhau mà sống.

Rồi một ngày, con gái bà phát hiện bị viêm trực tràng giai đoạn cuối, phải đưa lên Sài Gòn mổ. Bà chạy vạy khắp nơi, khi xin được đủ tiền mua máu để mổ thì con gái đã qua đời. Từ Bình Hưng Hoà, bà Tư tay ôm hũ cốt con gái, tay dắt đứa cháu ngoại sáu tuổi đi lang thang. Hễ gặp ngôi chùa nào trên đường đi bà lại ghé vào xin cho để hũ cốt con gái đến 49 ngày rồi thả tro cốt trôi sông. Thân nghèo khó, không nhà cửa, tiền bạc làm sao hương khói cho con gái. Giọng bà kể nhẹ nhàng nhưng tràn đầy nước mắt tủi cực: “Tui ghé vô hơn chục cái chùa trên đường nhưng không nơi nào nhận. Người ta nói phải đóng 4 triệu đồng để chi phí hương khói”.

Cháu ngoại đói khát, sợ người khác ngại xui rủi, bà để hũ cốt con bên vệ đường rồi dắt cháu ghé quán xin thức ăn thừa của khách. Một chị bán nước trên đường Phó Cơ Điều (quận 5, TP.HCM) thấy cảnh lạ, kéo lại hỏi thăm. Một chị khác dẫn bà đến một ngôi chùa quen xin để hũ cốt miễn phí. Anh bảo vệ bệnh viện Chợ Rẫy phá lệ cho hai bà cháu ngủ ngoài mái hiên phòng bảo vệ. Có hôm sáng dậy, mọi người trong xóm thấy hai bà cháu ướt nhẹp vì đêm qua trời mưa. Những người tốt bụng trong xóm nhỏ ấy, góp tiền thuê cho hai bà cháu một chỗ ở giá 10.000 đồng/ngày, rồi tặng bà 500.000 đồng làm vốn bán vé số.

Rồi một ngày, những người trong xóm nhỏ ấy lại góp tiền đưa bé Na, cháu ngoại bà đi bệnh viện vì dự cảm được điều chẳng lành khi nghe bé nói: “Con thấy nóng lạnh, như có con gì bò trong người”. Ở bệnh viện về, bà báo kết quả vô tư: “Nó bị máu trắng”. Mọi người nhìn nhau ái ngại, còn bà thì hình dung máu trắng chỉ là một bệnh phụ khoa nhẹ của phụ nữ.

Lúc sinh thời, con gái bà được một người bán rẻ cho chiếc xe gắn máy để dành bán lại kiếm lời. Vì không có hộ khẩu nên chị nhờ một người phụ nữ ở gần nhà đứng tên chủ quyền xe. Bà Tư bèn về Cà Mau xin lại chiếc xe để có tiền chữa bệnh cho cháu. Về đến nơi thì căn nhà dựng tạm trên đất người khác của bà đã bị giải toả, chiếc xe đạp cà tàng cũng bị mất, không còn một thứ gì. Người phụ nữ đứng tên xe yêu cầu bà phải đưa giấy chứng tử của con gái mới trả lại xe. Hai bà cháu dắt díu nhau lên lại Sài Gòn làm giấy chứng tử. Khi có giấy chứng tử rồi, người phụ nữ ấy lại lật lọng, không có bằng chứng gì chứng minh chị ta đứng tên chủ quyền xe giùm con gái bà. Đêm đó, ở Cà Mau, bé Na trở bệnh nặng. Vào đến bệnh viện ở Sài Gòn, bé thỏ thẻ: “Ngoại ơi con lạnh lắm! Con buồn ngủ”. Bà vỗ lưng cho cháu, rồi bé lịm đi, người lạnh ngắt.

Bạn đọc muốn chia sẻ cùng bà Tư, xin liên hệ chị Bích Ngọc (người hàng xóm đã giúp bà Tư từ những ngày đầu tiên), địa chỉ: 42A/1 Phó Cơ Điều, phường 12, quận 5, TP.HCM. Điện thoại: 0938007077.

Ngồi một mình, ánh mắt thất thần, bà nhớ quặn thắt đứa cháu ngoại đáng yêu, lanh lợi, hai mắt to tròn. Nhớ những ngày trời mưa gió, hai bà cháu dầm mưa đi bán vé số. Nhớ con bé vừa được xạ trị, chân sưng vù, tập tễnh theo bà đi khắp nẻo đường. Bà hối hận vì trước ngày đi Cà Mau, con bé thèm một miếng phômai định xin chị Ngọc, một người hàng xóm tốt bụng nhưng bà cản không cho vì ngại. Bây giờ người ta cho món gì ngon, bà không thể để dành cho nó được nữa. Bé Na mất ngày 14.9.2011, khi chỉ còn ba ngày nữa là đến 49 ngày của mẹ nó. Lại một lần nữa, mọi người gom góp để bà có tiền thiêu cháu.

Nỗi đau tận cùng

Giờ đây, một thân một mình, bà được một chị bán trái cây bên hông bệnh viện Chợ Rẫy cho ngủ nhờ, qua bữa nhờ hàng xóm và cơm từ thiện. Rồi, căn bệnh máu trắng quái ác cũng tìm đến bà. Khi tôi viết những dòng này thì được biết, bà đang cấp cứu. Bác sĩ bảo, nếu bà qua được thì sẽ sống thêm một thời gian ngắn nữa. May thay, bà đã vượt qua. Khi mới tỉnh dậy bà lại lần mò đi bán vé số, kiếm được đồng nào hay đồng đó để khỏi làm phiền những ân nhân và cũng để đỡ nhớ đứa cháu ngoại. Chỉ vết thương vừa bị chuột cắn trên chân, bà nói: “Tội nghiệp chú xe ôm, chở miễn phí lại còn tốn thêm 120.000 đồng tiền chích ngừa”. Mặc dù phải chích thêm nữa nhưng bà nói: “Thôi, vậy là đủ rồi”, bởi bà ngại mọi người lại tốn tiền vì mình.

Một bác sĩ tại bệnh viện Ung bướu đã trích tiền túi 500.000 đồng để bà đủ tiền xạ trị, đã phải thốt lên: “Làm ở đây, tôi thấy nhiều trường hợp khổ lắm nhưng chưa thấy ai khổ như bà này”.

Bà phải xạ trị thêm một lần nữa, nếu không mắt sẽ bị mù. Nhưng, những người tốt bụng xung quanh bà lại không dư dả gì. Nhìn người đàn bà 53 tuổi, quá đỗi hiền lành, tôi không hiểu vì sao tạo hoá lại an bài chi một “kịch bản” quá bi thảm. Chiều Sài Gòn, mưa dầm cùng với căn bệnh hiểm nghèo khiến bà lạnh. Nhưng, chiếc áo khoác mỏng manh duy nhất của bà lại không đủ làm ấm thân thể gầy yếu. Bà hy vọng: “Tui chỉ mong một chỗ ở và có tiền chữa bệnh. Sống để báo đáp ân tình của mọi người”.

Minh Cúc

_________________________________

Duytduy chuyển tin từ báo SGTT

Vui buồn cùng quán cơm 2000 phạm ngọc từ quan

Anh chị em mến

Trưa nay ( 28-10-2011), Từ Quan cùng người bạn đến quán cơm 2000 để chia sẻ bảo trợ tháng 10 của nhóm.
Quán không còn chỗ cũ, mặt bằng chủ lấy lại, gia đình chú Nghĩa dời về nhà ( 2 căn nhà sát bên nhà chú Nghĩa cho thuê và đã lấy lại sửa cho quán cơm 2000, dời hơn tháng nay). Nhìn cơ ngơi quán mới 30-40 mét  vuông, có vẻ sạch sẽ và tươm tất hơn. Một cơ duyên, Tử Quan  gặp một “Mạnh thường quân” tới thăm  Quán, vui hơn nữa là có vợ chồng chú Nghĩa  mời Quan và người bạn sang nhà uống nước, nhưng vì anh bạn  chiều làm sớm nên  xin phép lần sau.
Nhìn quán và khách ăn chợt vui buồn lẫn lộn.
Vui vì cách phục vụ của quán quá tình, thật ấm lòng những người kém may mắn. Những người già , tật nguyền được những người giúp ra dìu ngay từ cửa, đưa tới chỗ ngồi và ân cần mang cơm tận nơi. Quan cũng  ra dìu một bác già chân bị tật, cầm tay bác đưa vào  quán,  thấy lòng  thật vui và vinh dự lắm.
Một em bé vừa đi học về để cặp và vào xin được dùng  cơm, em đặc biệt vì quá nhỏ nên không phải mua (2000), nhưng  em rất ý thức tự lại lấy cơm và canh, không lấy thịt ( sau khi nhiều người dỗ ngọt em mới lại lấy một ít).
Buồn vì ở một góc trong quán có một số khách vừa ăn vừa cười nói, điện thoại…không biết họ có đủ tiêu chuẩn cần phải giúp không?. Quan tự nhận biết như thế, một số khách tới ăn biết, gia đình chú Nghĩa biết… nhưng những người thiện tâm của quán vẫn làm, vẫn vui vẻ.Khách càng khó khăn, thiếu thốn thì phong cách phục vụ càng ân cần. Không vì một ít người như vậy mà bỏ biết bao người đang cần thực sự. Nghĩ như vậy trên đường về Quan và người bạn trở nên vui và ấm lòng hơn vì tấm chân tinh thương người của quán cơm 2000.
Hẹn tái ngộ thơ sau
Chúc anh chị em bình an
Phạm Ngọc Từ Quan
 

 

 

 

 

Chuyện ở làng (ngụ ngôn mới) – Nguyễn Tấn Ái

Chuyện ở làng (ngụ ngôn mới)

Chuyện xảy ra ở làng Phù Ủng.
Thầy sửa cặp kính trắng cho thêm phần bệ vệ rồi oai phong giảng:
-Quân Nguyên xâm lược nước ta, thế giặc lần này mạnh lắm, từ vua đến dân nhà Trần đều lo lắng cho vận nước. Có người trai trẻ ngồi đan sọt bên vệ đường mà mãi đăm chiêu tư lự, đến độ ngựa của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trẩy qua mà người thanh niên ấy chẳng hề hay biết. Bọn lính dọn đường thấy người trẻ ương ngạnh tức khí bèn đâm một giáo vào đùi, máu chảy ra, người trai trẻ vẫn mãi mê đan sọt. Vương thấy lạ bèn xuống ngựa, tiến lại gần, lay gọi. Té ra vì mãi mê vừa đan sọt vừa lo việc nước nên người trai ấy không hề biết có Vương ngang qua đấy. Vương trọng nghĩa khí bèn tin dùng. Người trai trẻ ấy sau là danh tướng Phạm Ngũ Lão, từng lập nhiều công lao với triều đại nhà Trần.
Bổng học trò có ý kiến:
-Thưa thầy, tội cản đường Vương là cản đường người thi hành công vụ, đáng chết, sao Vương lại tin dùng?
-À, con không hiểu, xưa khác nay khác. Làm đến bậc Quốc công thì Vương tất
hiểu “dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” ( dân là quý, thứ nữa là xã tắc, vua là thường). Dù là người dân nhưng biết lo toan việc nước thì tất trọng hơn cả vua.
Trò gật gật:
-Thưa thầy thánh minh, lẽ đạo hay quá, con xin đem đạo của thầy truyền rao khắp chốn lê dân!
-Ấy chết, con đừng dại dột thế! Thầy chưa dạy hết. Ngài Khổng Tử có dạy “
bất tại kì vị bất mưu kì chính” ( không ở vị trí ấy thì đừng lo việc ấy). Con đem lẽ này truyền ra, khiến người dân khí thế rủ nhau ai cũng lo việc nước khéo lại cản đường các quan. Quan giận quan bỏ tù cả lũ thì khốn đấy!
Cậu trò ngơ ngác không hiểu.
Câu chuyện này lại không ở làng Phù Ủng.

Nguyễn Tấn Ái

 

__________________________________________________________________

 

Tạm thời chúng tôi xin gọi những loạt truyện hay thơ này là “ngụ ngôn mới”. Tuy được gọi là ngụ ngôn nhưng truyện sẽ ít ẩn dụ,đi thẳng vào vấn đề, hàm chứa tính giáo dục cao và thật là dễ hiểu cho mọi giới và nhiều lứa tuổi. Mong được sự đóng góp của anh chị em

 

Trang truyện ngụ ngôn mới

 

Trang ngụ ngôn từ Văn Thơ Việt

 

.

 

 

Viết tặng chị hàng xóm quê nhà…thơ Hàn Phong Vũ

Viết tặng chị hàng xóm quê nhà…

Thân cò lăn lội bến sông
Mò cua bắt tép nuôi chồng tháng năm
Con thơ nheo nhóc một đàn
Chị gồng lưng ghánh trăm ngàn đắng cay

Chồng thì sáng xỉn chiều say
Bữa cơm rau cháo qua ngày nuôi con
Thân gầy xuân sắc héo hon
Ngược xuôi mưa nắng long đong sớm chiều

Cửa nhà hiu hắt cô liêu
Mái rột nát, vách vẹo xiêu hoang tàn
Mấy con gà nhỏ trước sân
Bới tìm chẳng có miếng ăn chết mòn.

Con nhỏ nhơ nhác lon ton
Áo quần rách rưới gầy gòm xanh xao
Chị thương con dại biết bao
Một thân chẳng thể làm sao đủ đầy

Tôi cầu mong có một ngày
Mùa xuân lại đến dựng xây cuộc đời
Xua tan nghèo đói quê tôi
Cho gia đình chị vui cười hát ca.

Nghĩ mà thương chốn quê nhà
Còn bao cảnh khổ mà ta đau lòng
Ai ơi! Hỏi có buồn không?
Thương quê mà chửa góp công được gì?..

Hàn Phong Vũ.
23/10/2011

Chung trời Huế em – thơ Hàn Tương Thi

CHUNG TRỜI HUẾ EM
 
Lại mưa rồi em ơi!
trời cứ rầu đến thế
khiến buồn – anh thương nhớ
em một miền xa xôi!
 
Huế bây chừ không mưa
mắt em chừng khô ráo
Huế: sương miền mơ ảo
mấy mùa còn mong ai?
 
Quê anh mưa nhiều quá!
Huế nắng ngọt môi em:
xin chia anh một nửa
chung trời tím Huế em!.
 
(12/ 10/ 2011)
_____________________________________________________
*HÀN TƯƠNG THI*
Nguyễn Hữu Thịnh
*Đ/C: Mậu Duyệt – Cẩm Hưng – Cẩm Giàng – Hải Dương.*
*ĐTB: 0320.3.789 860* *ĐTDĐ: 0974.605.904